Hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu cổ phiếu được phát hành thêm, vốn điều lệ tăng lên gấp 3 – 4 lần, không ít doanh nghiệp trên sàn niêm yết gần đây đã gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi vẫn phát hành thành công bất chấp kết quả kinh doanh yếu kém, trong đó có những thương vụ chỉ phát hành riêng lẻ. Diễn biến này làm dấy lên mối nghi ngờ liệu doanh nghiệp có thật sự đã tăng được vốn từ nguồn “tiền tươi thóc thật”.
Nhìn vào quá khứ, thị trường chứng khoán đã không ít lần chứng kiến các thương vụ tăng vốn ảo sau đó bị phanh phui, khiến các nhà đầu tư phải chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, cứ mỗi lần thị trường chứng khoán (TTCK) đi lên mạnh mẽ, là hàng loạt doanh nghiệp lại tận dụng thời cơ để lên kế hoạch tăng vốn khủng, “bày binh bố trận” nhằm kéo giá cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư bỏ tiền mua lượng cổ phiếu phát hành thêm, đặc biệt là với những doanh nghiệp đang có thị giá dưới mệnh giá.
Thực tế “game” tăng vốn chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn với những nhà đầu tư, vốn luôn tin rằng giá cổ phiếu sẽ được kéo lên mạnh mẽ vượt mệnh giá. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư trong số này đã dày dạn kinh nghiệm, nên thường chỉ chọn lướt sóng theo đà tăng của giá cổ phiếu và nhanh chóng chốt lời, chứ ít khi nào nộp tiền để mua cổ phiếu phát hành thêm, nhất là khi lượng cổ phiếu này sẽ mất một khoảng thời gian mới về đến tài khoản và được niêm yết bổ sung để giao dịch, khiến nhà đầu tư bị chôn vốn mà mất chi phí cơ hội.
Trước tình thế một lượng cổ phiếu phát hành thêm không được mua hết, các ông chủ doanh nghiệp, cổ đông nội bộ lớn hoặc một vài đối tác đầu tư nào đó – thường là sân sau hoặc có mối quan hệ với ban lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ đăng ký mua cổ phiếu này để đảm bảo kế hoạch tăng vốn thành công. Nhưng điều đáng nói là vốn của doanh nghiệp có thể tăng thành công về mặt sổ sách, nhưng dòng tiền thực tế lại không tăng.
Nguyên nhân là nguồn tiền mà những cá nhân/tổ chức này nộp thêm thường là tiền đi vay, và sau khi nộp vào chủ yếu che mắt nhà đầu tư để họ tin rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng bỏ tiền ra để tham gia đợt phát hành này, dòng tiền này sẽ nhanh chóng rút ra để hoàn trả khoản vay. Thậm chí có những trường hợp ban lãnh đạo mua cổ phiếu phát hành thêm bằng chính nguồn tiền đi vay của doanh nghiệp dự định phát hành thêm.
Theo đó, ban lãnh đạo, cổ đông nội bộ hay những đối tác đầu tư này sở hữu được lượng lớn cổ phiếu “giấy” với giá vốn gần như bằng 0 và bán ra với giá nào cũng có lợi. Thực tế cho thấy trên sàn chứng khoán trong thời gian qua, sau khi một số doanh nghiệp tăng vốn thành công thì đồng thời ban lãnh đạo cũng liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu trên sàn.
Những dấu hiệu của doanh nghiệp “Bán giấy”
Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-6-2015 đã có những quy định kiểm soát phát hành tăng vốn ảo, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn lách luật và thực hiện thành công. Chính vì vậy, có lẽ mỗi nhà đầu tư cần phải tự bảo vệ mình, từ việc tìm hiểu sổ sách kế toán của doanh nghiệp, cho đến kiểm soát quyết định đầu tư của chính mình, vì thông thường trong một thị trường giá lên mới kích thích được tâm lý hưng phấn và lòng tham của nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia phân tích, chiêu trò tăng vốn ảo có thể lộ ra từ những bất thường trong báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp sau đợt tăng vốn trên. Về nguyên lý kế toán, sau khi phát hành thành công, thì doanh nghiệp tăng vốn sẽ có một lượng tiền mặt thu được đúng bằng số tiền phát hành ra trừ đi một số chi phí phát sinh. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp tăng vốn ảo thì tiền mặt không tăng lên bao nhiêu, mà chủ yếu lại tăng các khoản phải thu, tài sản vô hình, các khoản đầu tư thiếu nguồn gốc kiểm chứng.
Dấu hiệu nghi ngờ cũng xuất phát từ việc tại sao doanh nghiệp đang thiếu tiền, cần tăng vốn để phát triển kinh doanh, nhưng sau khi tăng vốn lại mạnh tay cấp vốn cho các đối tác, khách hàng, thậm chí cho vay cá nhân. Chính là vì dòng tiền tăng vốn không có thực nên để cân đối tài sản, nguồn vốn, buộc phải tạo ra các “tài sản ảo” để đối ứng.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần xem xét cẩn thận những doanh nghiệp đăng ký giao dịch, hoặc niêm yết trong khi được thành lập chỉ từ 1-3 năm trước và trước khi lên sàn thường tăng vốn rất mạnh, như vậy rất dễ nằm trong nhóm “in giấy lấy tiền”. Thứ hai là các doanh nghiệp liên tục chia thưởng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông với giá ưu đãi để tăng vốn, các đối tượng tham gia có liên quan tới nhau. Ba là, các doanh nghiệp lên sàn theo hình thức “niêm yết cửa sau”. Bốn là, doanh nghiệp mà ban lãnh đạo từng có động thái tác động lên giá cổ phiếu hoặc thường xuyên nói về giá cổ phiếu chứ không phải là giá trị khác của doanh nghiệp.